Hạ mỡ máu bằng một số bài thuốc cổ truyền Y học cổ truyền xếp bệnh mỡ máu cao tương đồng với chứng “đàm trệ” của các y gia đời trước. Người mắc chứng đàm trệ thường có một số biểu hiện như: người béo trệ, có cảm giác nặng nề, hay nhức đầu, […]
Hạ mỡ máu bằng một số bài thuốc cổ truyền
Y học cổ truyền xếp bệnh mỡ máu cao tương đồng với chứng “đàm trệ” của các y gia đời trước. Người mắc chứng đàm trệ thường có một số biểu hiện như: người béo trệ, có cảm giác nặng nề, hay nhức đầu, hoa mắt chóng mặt, ăn kém ngon miệng, hay cáu giận…
Tương đồng với y học hiện đại, những dấu hiệu trên cũng là những dấu hiệu thường gặp của bệnh tăng huyết áp, vữa xơ động mạch, hội chứng rối loạn tiền đình…
Trong phạm vi bài viết này, xin giới thiệu một số bài thuốc, vị thuốc thật đơn giản, dễ sử dụng nhưng có hiệu quả cải thiện tình trạng mỡ máu cao
Bài 1: Ngưu tất thái lát mỏng 12g, hằng ngày có thể sắc hoặc hãm bằng phích nước nóng, uống thay nước trong ngày.
Tác dụng của ngưu tất làm giảm cholesterol và triglycerit đã được nhiều nhà khoa học trong nước nghiên cứu và kết luận, đã được áp dụng vào hỗ trợ điều trị nhiều bệnh ở Việt Nam trong vài chục năm nay.Bài thuốc này rất đơn giản, sử dụng dưới dạng chè thuốc nên rất hay. Bạn có thể dùng bài thuốc này trong một thời gian dài.
Bài 2: Vỏ đậu xanh và lá sen tươi, mỗi vị lượng bằng nhau khoảng 10-20g. Cả hai vị thuốc này hợp thang sắc uống hằng ngày thay nước chè. Bạn cũng có thể hãm thuốc bằng phích nước sôi. Có thể chỉ cần dùng một mình vỏ đậu xanh cũng được.
Bài 3: Tỏi tươi sau khi bóc sạch vỏ lụa, bạn có thể nuốt vào trong hoặc sau các bữa ăn, mỗi bữa khoảng 2-3 tép tỏi là vừa, không nên ăn quá nhiều tỏi trong ngày vì tỏi có vị cay nóng. Liều lượng hằng ngày chỉ nên ăn dưới 5g tỏi.
Ngày nay, tỏi đã được bào chế thành viên thuốc nên cũng dễ sử dụng. Tuy nhiên bạn cũng không nhất thiết quá cầu kỳ, việc sử dụng tép tỏi tươi trong các bữa ăn hằng ngày cũng thuận tiện và hơn nữa lại rất rẻ!
Bài 4: Canh nấm hương, mộc nhĩ: thỉnh thoảng, bạn có thể kết hợp với y thực để làm giảm mỡ máu của mình bằng một phương pháp đơn giản: bát canh thịt nấu với nấm hương và mộc nhĩ, cả hai vị lượng bằng nhau, mỗi vị 10g là vừa. Các bà, các chị không khó khăn gì khi giúp các bạn có bát canh như ý!
Bài 5: Mỗi ngày ăn 2 quả trứng gà cũng có tác dụng làm giảm được mỡ máu. Mới nghe tưởng chừng vô lý làm sao khi ai cũng biết trứng gà là một thực phẩm giàu cholesterol, trong khi nhiều thầy thuốc đều có thể khuyến cáo bạn không nên ăn trứng. Nhưng đó lại chỉ là những quan niệm đã lỗi thời, các nhà khoa học Mỹ đã sử dụng trứng gà như một thứ thuốc để chữa bệnh vữa xơ động mạch trong vài ba năm gần đây. Lecithin có nhiều trong lòng đỏ trứng có tác dụng làm cholesterol không tăng lên trong máu. Cholesterol có lợi (HDL-C) lại có nhiều trong lòng đỏ trứng.
Bài 6: Bạn hãy uống mỗi ngày 1-2 cốc sữa đậu lành và ăn các sản phẩm được bào chế từ đậu nành như đậu phụ, tào phớ… chất I flavone có nhiều trong đậu nành có tác dụng làm hạ cholesterol máu, kể cả làm giảm được LDL-C, một cholesterol “xấu” có hại.
Bài 7: Mộc nhĩ trắng và mộc nhĩ đen, cả hai thứ đều 10g thêm 5g đường kính. Bạn hãy nấu mộc nhĩ với đường trong 60 phút, ăn cả cái lẫn nước. Nên ăn liên tục 15 ngày là một đợt hỗ trợ điều trị. Mỡ máu sẽ hạ là điều chắc chắn.
Bài 8: Mộc nhĩ đen 30g, rau cần tươi 100g, gạo tẻ 30g, đem nấu cháo ăn ngày 1 lần.
Bài 9: Vừng đen 60g, rang thơm, xát vỏ rồi đem nấu chè đường. Nếu có thể thì ăn hằng ngày hoặc để ăn đổi bữa với các bài thuốc, món ăn khác.
Bài 10: Thỉnh thoảng nên ăn thịt ngan, ngỗng hoặc thịt vịt. Món thịt ngan luộc chấm với vừng rang không chỉ là món ăn khoái khẩu của nhiều người mà còn có tác dụng chữa bệnh tim mạch. Trong mỡ máu của các loại gia cầm này có rất nhiều acid oleic và nhiều thành phần tương tự dầu ôliu. Mặt khác, HDL- cholesterol có lợi trong thịt vịt, ngan, ngỗng đã được các nhà khoa học chứng minh là có hàm lượng rất cao. Những lý do trên đã khẳng định tác dụng tốt của thịt vịt, ngan, ngỗng trong hỗ trợ điều trị bệnh vữa xơ động mạch.
Rất mong các bạn có thể áp dụng vào cuộc sống hằng ngày để bảo vệ sức khỏe cho chính bản thân mình. Đó cũng là một nguyên tắc “Phòng còn hơn chống” trong việc chăm sóc bảo vệ sức khỏe.